PhET Interactive Simulations là dự án do nhà vật lý đoạt giải Nobel, Carl Wieman sáng lập năm 2020 tại Đại học Colorado Boulder với mục đích tạo ra các mô phỏng tương tác miễn phí thuộc lĩnh vực Toán và Khoa học.
Học STEM giúp học sinh có hình ảnh trực quan phong phú hơn
Với hơn 100 mô phỏng, PhET giúp người học hiểu sâu sắc hơn các khái niệm, hiện tượng, định luật,… Các mô phỏng được viết bằng Java, Flash hay HTML5 và có thể chạy trên web, tải về máy tính để sử dụng. Tất cả mô phỏng đều có mã nguồn mở.
Các thí nghiệm mô phỏng của PhET minh họa bài học một cách trực quan, người học có thể tương tác trực tiếp trên màn hình như thao tác kéo thả, thanh trượt, nút chọn. Vì vậy, mô phỏng này có thể sử dụng cho tất cả học sinh các cấp. Đối với học sinh THCS, THPT, học sinh có thể điều chỉnh các thông số hoặc lựa chọn dụng cụ đo tương tự trên thực tế như thước, đồng hồ bấm giờ, volt, nhiệt kế,… để tìm hiểu các quá trình mang tính định lượng.
Các mô phỏng trên PhEt bao gồm các lĩnh vực như Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học. Nó có thể mô phỏng quan hệ vận tốc chuyển động nhiệt của phân tử khí với nhiệt độ, mô phỏng chuyển động của hạt phấn hoa trong nước hay sự khuếch tán của các phần tử chất tan,…
Sử dụng PhET để dạy các môn STEM giúp học sinh có hình ảnh trực quan về các hiện tượng, quá trình khoa học và quy tắc, định lý khó hoặc không quan sát, tưởng tượng được. Ví dụ, khi nghiên cứu về sóng cơ, nếu chỉ quan sát hiện tượng trong thực tế hoặc các thí nghiệm tạo sóng trên mặt nước, học sinh dễ mắc quan niệm sai lầm rằng các phần tử nước đang chuyển động từ nguồn sóng ra xa. Phần mềm mô phỏng giúp học sinh hình dung rõ hơn về dao động của các phần tử nước xung quanh một vị trí cân bằng.
Để sử dụng PhET, giáo viên có thể truy cập, tải mô phỏng và chèn vào powerpoint để trình chiếu, hay truy cập vào địa chỉ https:phet.colorado.edu để tải về. Tuy nhiên, việc tải ứng dụng trên thiết bị di động sẽ tốn chi phí khoảng 22.000 đồng.
Nguồn: Tạp chí Tự động hóa Ngày nay