Chủ tịch Hồ Chí Minh với tinh thần tự học!
7 tháng 7, 2023 bởi
vdsmart.info
| No comments yet

Tự học và học tập suốt đời là luận điểm quan trọng trong tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục. Đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, tự học có vai trò đặc biệt quan trọng, là một trong những nhân tố quyết định tạo nên trí tuệ. Bằng tấm gương tự học và học tập suốt đời, Bác Hồ đã để lại nhiều bài học và những kinh nghiệm quý báu cho các thế hệ noi theo.

Học thường xuyên, lấy tự học làm cốt

Học tập chính là hoạt động tiếp thu tri thức của mỗi cá nhân, là tiền đề quan trọng dẫn tới sự phát triển ở mỗi con người. Quá trình học tập bao gồm học tại trường, lớp, ở những giai đoạn nhất định của cuộc đời và tự học suốt cả cuộc đời mỗi người. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, còn sống còn phải học. Đây là biện pháp tốt nhất để nâng cao trình độ hiểu biết, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nhiệm vụ cách mạng. “Nếu không chịu khó học thì không tiến bộ được. Không tiến bộ là thoái bộ. Xã hội càng đi tới, công việc càng nhiều, máy móc càng tinh xảo. Mình mà không chịu khó học thì lạc hậu, mà lạc hậu thì bị đào thải, tự mình đào thải mình”(1). Trong học tập, cần kết hợp cả học tập ở trường, ở lớp và tự học.

 

Bản chất của tự học là một quá trình học tập không trực tiếp có giảng viên. Tự học là lao động khoa học, vất vả hơn rất nhiều so với quá trình học có giảng viên, bởi người học phải độc lập xây dựng kế hoạch, phương pháp học tập, tự tìm hiểu, phân tích những kiến thức trong sách vở, tài liệu để tiến tới làm chủ tri thức. Nếu thiếu sự kiên trì, lòng quyết tâm và sự nghiêm túc của bản thân, thì sẽ không thể thực hiện được kế hoạch học tập do mình đặt ra. Chính việc tự học sẽ giúp mỗi người nhớ lâu và vận dụng những kiến thức đã học một cách hữu ích vào cuộc sống. Và, tự học còn giúp cho mỗi người trở nên năng động, sáng tạo, không phụ thuộc vào người khác, từ đó hạn chế những khuyết điểm và hoàn thiện bản thân. Càng cố gắng tự học, con người càng trau dồi được nhân cách và tri thức. Để việc tự học đạt kết quả tốt, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, mỗi người cần phải xác định mục đích, động cơ học tập đúng đắn. Người yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải hiểu rõ: “Học để làm gì? Học để sửa chữa tư tưởng... Học để tu dưỡng đạo đức cách mạng... Học để tin tưởng... Học để hành...”(2). 

 

Việc tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh có mục đích cuối cùng là làm cách mạng, giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên trì tự học, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin vào hoàn cảnh cụ thể ở Việt Nam và đưa cách mạng nước ta đến thắng lợi. Sự vận dụng sáng tạo chính là quá trình tự thích nghi, tự tìm tòi thâm nhập thực tiễn, đúc rút kinh nghiệm, phát huy nội lực, và sâu xa hơn, đó còn là quá trình tự học tập, tự giáo dục để làm cho nhân cách cũng như năng lực của bản thân phù hợp với mục tiêu, lý tưởng, công việc. Khi tham dự Đại hội VII Quốc tế Cộng sản được tổ chức tại Thủ đô Mát-xcơ-va (Nga) vào tháng 8-1935, Bác Hồ đã khai rõ trong lý lịch: “Họ và tên: Lin. Trình độ học vấn: Tự học”. Người cho rằng, việc học không chỉ có ở nhà trường, có lên lớp mới học tập... mà trong mọi hoạt động cách mạng, chúng ta đều phải học tập!

 

Vậy, những ai cần phải học? Theo Bác Hồ, ai cũng phải học, không kể người sang hay hèn; giàu hay nghèo; không phân biệt nghề nghiệp, giới tính, tôn giáo, dân tộc... Khi đã xác định việc học là một nhu cầu thì tự giác ai cũng phải học.

 

Người cho rằng, trong cuộc sống có rất nhiều vấn đề cần quan tâm, nếu thấy cái gì học cái ấy thì chúng ta chỉ thu được một mớ kiến thức hỗn tạp, không có tác dụng với chính người học và cũng không đủ thời gian để học, hiểu hết tất cả. Do đó, ngoài việc học ở nhà trường theo chương trình quy định, chúng ta phải căn cứ vào trình độ nhận thức, công việc đang đảm nhiệm và vị trí của bản thân để lựa chọn những điều cơ bản, thiết thực, những vấn đề cần cho lĩnh vực công tác đang đảm nhiệm hoặc nhu cầu của mình để học. Hơn nữa, vấn đề cốt lõi nhất của việc tự học là để nâng cao hiểu biết và để áp dụng những kiến thức đó vào làm việc, “học phải đi đối với hành”. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Học những điều quá cao xa, không sát thực tế công việc chuyên môn của bản thân trong khi thời gian dành cho tự học quá ít, việc học đó cũng chỉ để “trang trí”, cho “oai” mà thôi.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh lưu ý mỗi người phải học tập với thái độ nghiêm túc, hết sức khiêm tốn, thật thà, biết đến đâu nói đến đó, không được tự cho mình là đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác nghiêm khắc phê phán tệ giấu dốt, lười biếng học tập, tự cao, tự đại, cho mình là giỏi nhất thiên hạ. Người nói: “Cái gì biết thì nói biết, không biết thì nói không biết, kiêu ngạo, tự phụ, tự mãn là kẻ thù số một của học tập”. Tính khiêm tốn yêu cầu người ta không được thỏa mãn với vốn kiến thức và thành tích đã đạt được. Trong khi học “phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách, có vấn đề chưa thông suốt thì mạnh dạn đề ra và thảo luận cho vỡ lẽ. Đối với bất cứ vấn đề gì đều phải đặt câu hỏi “vì sao”, đều phải suy nghĩ kỹ càng xem có hợp với thực tế không, tuyệt đối không nên nhắm mắt tuân theo sách vở một cách xuôi chiều. Phải suy nghĩ chín chắn”(3).

 

vdsmart.info
7 tháng 7, 2023
Share this post
Lưu trữ